Quân đội Quốc_gia_Việt_Nam

Thành lập

Ngày 8/12/1950, Quốc gia Việt Nam và Pháp ký Hiệp định quân sự thành lập Quân đội Quốc gia Việt Nam bằng cách đặt một số đơn vị quân đội Pháp tại Việt Nam dưới quyền chỉ huy của Quốc gia Việt Nam. Dự kiến quân đội này sẽ bao gồm 120.000 quân và 4.000 sĩ quan. Pháp sẽ hỗ trợ Quốc gia Việt Nam thành lập những đơn vị mới do sĩ quan Việt Nam chỉ huy và đào tạo sĩ quan người Việt thay thế dần những sĩ quan Pháp đang hiện diện trong Quân đội Quốc gia Việt Nam.

Về việc thành lập Quân đội Quốc gia Việt Nam, tướng Jean de Lattre de Tassigny nhận xét "người Việt có khả năng trở thành những chiến binh xuất sắc". Chỉ cần vài tuần huấn luyện là có thể tạo ra những đơn vị có khả năng tác chiến. Thanh niên Việt Nam rất nhiều, nếu Quốc gia Việt Nam không tuyển mộ thì sẽ bỏ phí, hơn nữa có thể Việt Minh sẽ tuyển mộ những người đó. Vấn đề của Quân đội Quốc gia Việt Nam là thiếu chỉ huy người Việt. Để giải quyết vấn đề này cần sự trợ giúp của Mỹ. Bất cứ một sĩ quan Pháp nào cũng sẽ gây ra tranh chấp làm suy yếu đơn vị anh ta chỉ huy[56]. Tuy nhiên de Lattre kiên quyết chống lại viện trợ trực tiếp của Mỹ cho Quân đội Quốc gia Việt Nam[57].

Phát triển

Trong nỗ lực thành lập Quân đội Quốc gia Việt Nam, vấn đề cơ bản là đào tạo sĩ quan và hạ sĩ quan. Quốc gia Việt Nam thừa nhận họ thiếu những người được huấn luyện quân sự nhưng tuyên bố vì lý do chính trị họ rất ngại sử dụng sĩ quan Pháp. Nhưng Pháp lại không chấp nhận trang bị vũ khí cho những đơn vị Quân đội Quốc gia Việt Nam mới thành lập trừ khi Việt Nam chấp nhận một tỷ lệ nhất định sĩ quan nước ngoài trong Quân đội Quốc gia Việt Nam trong thời gian sĩ quan Việt Nam đang được đào tạo. Quốc gia Việt Nam sẽ mở những trường đào tạo sĩ quan. Pháp có trách nhiệm hỗ trợ Quốc gia Việt Nam trong công tác huấn luyện sĩ quan[56].

Sĩ quan Pháp trao huân chương cho binh lính quân đội Quốc gia Việt Nam

Do vậy, có tài liệu cho rằng Quân đội Quốc gia Việt Nam được huấn luyện kém và không có sĩ quan chỉ huy cấp cao người Việt[29]. Pháp chỉ đơn giản là đưa những người lính mới tuyển mộ được vào các quân đoàn Viễn chinh của chính Pháp, tại đó, người chỉ huy là các sĩ quan Pháp[30].

Quân đội Quốc gia Việt Nam phát triển nhanh chóng về số lượng bao gồm những tiểu đoàn bộ binh hạng nhẹ. Tính đến mùa đông năm 1953 Quân đội Quốc gia có 200.000 quân chính quy (trong đó có 50.000 quân dự bị) và 78.000 địa phương quân. Vào tháng chạp năm 1954, sau khi Kế hoạch Navarre được triển khai thì quân số trong Quân đội Quốc gia Việt Nam lên tới 230.000 người, trong đó có 165.000 quân chính quy và 65.000 quân địa phương[58]. Số tiền người Pháp bỏ ra để viện trợ cho hoạt động của quân đội này là: 524 tỉ francs năm 1952, 585 tỉ năm 1953, 575 tỉ năm 1954.

Ngày 1 tháng 12 năm 1948, Chính phủ Quốc gia Việt Nam lập ra Trường Sĩ quan Việt Nam ở Đập Đá, Huế để đào tạo nhân sự chỉ huy cho Quân đội Quốc gia Việt Nam. Hai năm sau, trường sở được chuyển lên Đà Lạt với tên mới là Trường Võ bị Liên quân Đà Lạt, khai giảng ngày 5 tháng 11 năm 1950[59].

Hai Trường Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức và Nam Định được thành lập ngày 11/5/1950 và chính thức hoạt động ngày 1/10/1951, có trách nhiệm đào tạo sĩ quan cho Quân đội Quốc gia Việt Nam. Số sĩ quan đào tạo được trong giai đoạn 1951 - 1954 của hai trường này là:

Tổng số sĩ quan hai trường đào tạo được trong giai đoạn 1951 - 1954 là 5.623 người. Sau khi tốt nghiệp, các sĩ quan được mang cấp bậc Thiếu úy[56].

Đến cuối năm 1953, Quân đội Quốc gia Việt Nam được đặt dưới quyền chỉ huy của tướng Nguyễn Văn Hinh[60]. Thời điểm này các đơn vị trong Quân đội Quốc gia Việt Nam bắt đầu tác chiến độc lập dưới sự chỉ huy của sĩ quan người Việt[61]. Tuy vậy, trong các chiến dịch lớn, thực tế các sĩ quan người Việt này vẫn nằm dưới sự chỉ huy của sĩ quan Pháp thuộc Bộ Tư lệnh quân đội Liên hiệp Pháp tại Đông Dương (ví dụ như trong trận Điện Biên Phủ các tiểu đoàn Quốc gia Việt Nam phải tuân lệnh của trung tá Pháp Pierre Langlais). Hiệp ước Elysee cũng ghi rõ: "Trong thời chiến, toàn thể quân đội Việt Nam và Liên hiệp Pháp được đặt chung dưới quyền chỉ huy của Ủy ban Quân sự mà Tư lệnh sẽ là một sĩ quan Pháp có một Tham mưu trưỏng phụ tá."

Edmund A. Gullion, Bí thư Cố vấn Pháp ở Sài Gòn (từ 1950) cho rằng: "Thật khó mà truyền được một tinh thần dân tộc hăng say vào một đội quân người bản xứ mà trước đây sĩ quan và hạ sĩ quan của họ đều là người Pháp da trắng… Các đơn vị Việt Nam đi hoạt động rất ít khi được người Pháp hỗ trợ… Có lẽ dấu hiệu có ý nghĩa nhất và cũng là đáng buồn nhất trong việc Pháp thiếu sót không tổ chức được quân đội Việt Nam thực sự độc lập và có thế chiến đấu theo cách của De Lattre hiểu, là ở Điện Biên Phủ đã vắng bóng mọi đơn vị chiến đấu Việt Nam. Đó là một cuộc trình diễn của Pháp". Tại Điện Biên Phủ, ngày 6/5/1954, người Việt chiếm gần 3% số sĩ quan, 16,2% số hạ sĩ quan, 39,2% số lính. Tuy nhiên quân đội Quốc gia Việt Nam có tinh thần chiến đấu thấp và có ít tiếng nói trong việc quyết định các vấn đề chiến thuật và chiến lược, và cũng có rất ít lý do để chiến đấu một cách mãnh liệt trong một cuộc chiến tranh của người Pháp[62].

Tập kết vào miền Nam

Sau khi Pháp thua trận Điện Biên Phủ và ký Hiệp định Genève, quân đội Quốc gia Việt Nam theo quân Pháp tập kết về miền Nam Việt Nam. Ngày 12 tháng 1 năm 1955, Ngô Đình Diệm đã bổ nhiệm Thiếu tướng Lê Văn Tỵ vào chức vụ Tổng Tham mưu trưởng. Quân đội Quốc gia Việt Nam chuyển sang nằm dưới quyền chính phủ Đệ Nhất Cộng hòa Việt Nam của tổng thống Ngô Đình Diệm và trở thành hạt nhân của Quân lực Việt Nam Cộng hòa.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Quốc_gia_Việt_Nam http://www.buttondepress.com/secretstuff/ttu2006/r... http://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/tong_tuy... http://www.danchimviet.com/archives/9788 http://www.vietbao.com/?ppid=45&pid=45&nid=131612 http://www.vietbao.com/D_1-2_2-282_4-67554/ http://www.vietbao.com/print.asp?nid=67463 http://www.mtholyoke.edu/acad/intrel/pentagon/pent... http://www.vietnam.ttu.edu/star/images/1653/165301... http://www.conseil-constitutionnel.fr/conseil-cons... http://www.conseil-constitutionnel.fr/conseil-cons...